Thiếu vi chất khiến trẻ kém thông minh


Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe. Nguyên nhân chủ yếu do lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý, đa dạng.
 Bữa ăn của trẻ đa phần chưa đủ vi chất dinh dưỡng /  Trẻ dễ èo uột vì ăn uống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tại lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng diễn ra tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) sáng 25/5, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Con người lại không tự cảm nhận được sự thiếu hụt này nên thiếu vi chất dinh dưỡng còn có tên gọi là “nạn đói tiềm ẩn”.

"Có nhiều vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải do thức ăn cung cấp hàng ngày. Thói quen lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý nên các bữa ăn của gia đình Việt vẫn chưa thực sự cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng", tiến sĩ Mai.


Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, trẻ cần được ăn đủ chất bột, rau củ, hoa quả; ăn vừa phải thức ăn từ thịt và đầu; hạn chế muối, ăn ít đường... 

Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, có khoảng 40 loại vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, trong đó vitamin A, sắt, iốt... là những thành tố quan trọng cho phát triển thể chất, tăng trưởng và trí tuệ. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu iốt đã giảm nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn tiếp tục là mối đe doạ tiềm ẩn đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ.

Theo đó, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho sự phát triển toàn diện ở trẻ, giảm kết quả học tập ở trẻ em, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu vitamin A gây mù do khô loét giác mạc, tăng nguy cơ tử vong, kìm hãm sự phát triển thể lực, trí tuệ. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng, làm giảm khả năng lao động, khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, biến cố sản khoa.Thiếu iốt gây bệnh đần độn, kém phát triển trí tuệ, suy dinh dưỡng, bướu cổ. Thiếu vitamin D gây còi xương, thấp còi, chậm tăng trưởng và gây loãng xương khi lớn tuổi...

Các chuyên gia nhấn mạnh, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, cộng đồng cần được hướng dẫn các biện pháp cải thiện bữa ăn; sử dụng các thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và cho trẻ trong độ tuổi quy định uống vitamin A liều cao 2 lần mỗi năm theo hướng dẫn; thực hiện vệ sinh, tẩy giun định kỳ. Phụ nữ có thai cần uống viên sắt axitfolic ngay từ lúc biết mình có thai.

Để một bữa ăn có thể cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết, bà nội trợ cần chú ý phối hợp 15-20 loại thức ăn một ngày, đầy đủ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin và chất khoáng, chất béo. Một bữa cần đảm bảo 5 món: cơm, canh, món mặn, rau và tráng miệng.

Bên cạnh đó, mọi gia đình cần sử dụng muối iốt. Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chọn các giống lúa giàu vitamin A, giàu kẽm... Ngoài tăng cường iốt vào muối, sắt cũng được tăng cường vào nước mắm; vitamin A vào dầu ăn và đường; sắt, kẽm vào bột mì…

Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước. Thông điệp của ngày này năm nay là Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trong năm nay, các địa phương sẽ áp dụng việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng; riêng các tỉnh đặc biệt khó khăn sẽ tiến hành bổ sung vitamin A liều cao kết hợp với tẩy giun cho trẻ em 6-60 tháng.

Theo Nam Phương (doisong.vnexpress.net)
Share on Google Plus

sessia group

Sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

NỘI THẤT ONLINE
NỘI THẤT ĐẸP ONLINE