Những quan niệm sai lầm về ung thư


Nhiều người vẫn nghĩ ung thư là bệnh nan y không thể trị khỏi. Thực tế, cứ bình quân 3 người mắc bệnh ung thư thì có 1 người khỏi bệnh.

Trên thế giới hiện có khoảng 12,7 triệu người mới mắc và 7,8 triệu người chết vì bệnh ung thư. Loại ung thư gây chết nhiều nhất là phổi, dạ dày và gan. Năm 2030 có xấp xỉ 21,4 triệu ca mới và 13,2 triệu ca chết hằng năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hiểu biết đúng về căn bệnh này để biết cách phòng tránh, phát hiện sớm và điều trị bệnh.

Nhiều bệnh nhân ung thư được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Ảnh: B.V

Nhiều bệnh nhân ung thư được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Ảnh: B.V

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, ung thư không phải là "trời kêu ai nấy dạ" như nhiều người vẫn quan niệm xưa nay. Hiện chúng ta đã xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ung thư là một nhóm bệnh gồm trên 100 loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Ung thư bắt nguồn từ nơi sâu thẳm của sự sống, DNA bị hư hại do phơi trải với một số tác nhân trong môi trường sống, ví dụ như khói thuốc lá, các virus, ánh nắng. Ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà, sinh sôi vô tổ chức của các tế bào bất thường.

"Khoảng 80% là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải. Khói thuốc lá gây ra 1/3 gánh nặng ung thư trên hành tinh. Thuốc lá là sát thủ cận kề êm ái mà hết sức tàn độc, không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người hít ké", giáo sư Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số virus, vi khuẩn gây 1/5 các ca ung thư của loài người. Chẳng hạn như viêm gan do virus HBV và HCV lâu ngày dẫn đến ung thư; các virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung và nhiều thứ khác. Ăn uống không lành kèm theo thiếu vận động và béo phì tạo ra 1/3 gánh nặng ung thư.

Một quan niệm sai lầm phổ biến nữa là nhiều người cho rằng bệnh ung thư không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Trên thực tế, khi chưa có triệu chứng, có thể rà tìm biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp… qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Phải thật lưu tâm một số triệu chứng báo động bệnh mới chớm. Phải chủ động đi khám bệnh, không được chủ quan.

Theo giáo sư Chấn Hùng, nhiều người vẫn cứ coi ung thư nào cũng không trị khỏi. Cứ nghĩ bị ung thư là trời kêu ai nấy dạ, buông xuôi chạy thầy chạy thuốc dân gian đến lúc bệnh hành quá chịu không thấu, đến bệnh viện thì thầy thuốc phải rất vất vả.

Thực tế hiện nay cứ bình quân 3 người mắc bệnh thì có 1 người khỏi bệnh. Việc tấn công ung thư ngày càng hiệu quả. Phẫu thuật có thể trị khỏi ung thư sớm khi căn bệnh còn mổ bứng trọn được. Với sự hỗ trợ của hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích, phẫu thuật vẫn là biện pháp trị hết nhiều bệnh ung thư nhất. Hiện nay hơn phân nửa số người bệnh ung thư được điều trị tốt nhờ xạ trị dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các phương pháp khác.

Nhiều người vẫn thắc mắc ung thư có di truyền không? Khoảng 10-15% các trường hợp ung thư có mối liên hệ gia đình và gia tộc. Trong một số gia đình, ung thư xảy ra ở vài thành viên trong gia đình với tỷ lệ cao. Một số ung thư gắn với bệnh sử gia đình như ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và ruột già.

Các nhà khoa học cũng đã khẳng định ung thư không lây lan, không truyền nhiễm. Hiểu điều này chúng ta càng nên quan tâm, giúp đỡ người bệnh, tránh để họ rơi vào tâm trạng tủi thân, mặc cảm do bị cô lập.

Trước đây, Hiệp hội Quốc tế chống ung thư đã gửi thông điệp "có thể phòng ngừa khoảng 40% số người mắc bệnh ung thư trên toàn cầu". Không để bệnh nhập vào là cách hiệu quả nhất và lâu dài làm nhẹ gánh ung thư. Cần thực hiện lối sống lành mạnh. Loại bỏ khói thuốc lá, chú ý cả hút chủ động và thụ động. Tránh uống rượu quá đà. Ăn đúng ăn lành, tập thể dục đều. Phòng tránh bệnh truyền nhiễm. 


Share on Google Plus

sessia group

Sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

NỘI THẤT ONLINE
NỘI THẤT ĐẸP ONLINE